"Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng…" - Câu hát quen thuộc vang lên mộc mạc, khắc khoải ngay khoảnh khắc đầu tiên của trailer "Dạ cổ hoài lang" khiến người nghe phải thổn thức với nhiều cung bậc cảm xúc và tràn đầy một nỗi nhớ quê hương.
Ra mắt cách đây 22 năm, vở kịch Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng đã làm mưa làm gió trên khắp Việt Nam và cả hải ngoại với hơn 1.000 suất diễn, đem lại đầy ắp tiếng cười và cũng lấy đi biết bao nước mắt của khán giả.
Với sự trở lại lần này, chính tác giả kịch bản Thanh Hoàng đã cùng bắt tay với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể vở kịch sân khấu sang phiên bản điện ảnh. Poster đầu tiên của Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh đã được đoàn phim tung ra và lập tức gây chú ý bởi hình ảnh khắc khổ, tha hương của nghệ sĩ Hoài Linh trong khung hình trắng xoá tuyết rơi ở nước Mỹ xa xôi.
Danh hài với nụ cười thường trực nay xuất hiện trên tấm poster với dáng ngồi “bó tay bó chân”, không một giọt nước mắt nhưng ánh mắt rất buồn, chiếc ghế băng trống trải hun hút tạo cảm giác chông chênh, đơn độc.
NSƯT Hoài Linh cho biết vai ông Tư Lành trong Dạ cổ hoài lang là vai mà anh kỳ vọng và rất tâm đắc . Lặn lội nhiều chuyến đi sang tận Bắc Mỹ để đóng phim giữa trời tuyết, với trải nghiệm bản thân nhiều năm sống ở nước ngoài cùng với cảm xúc của người đã từng hoá thân vào vai Tư Lành trong vở kịch này nhiều năm trước đây, Hoài Linh bảo anh đã diễn như “rút ruột”.
Qua trailer, khán giả hình dung sơ lược về kịch bản của phim Dạ cổ hoài lang, với những tình tiết không có trong phiên bản kịch. Vở kịch vốn chỉ tập trung vào thời hiện tại ở Mỹ của ông Tư, còn phim tái hiện thêm thời quá khứ với chuyện tình tay ba khi đôi bạn thân cùng yêu một người.
Câu chuyện của Dạ Cổ Hoài Lang chưa bao giờ cũ kĩ dù đã 22 năm trôi qua kể từ ngày ra mắt. Bởi dù sống ở đâu, ai cũng có một góc quê hương trong tim mình nhưng không phải lúc nào cũng nhận thức trọn vẹn về nó.
Câu hỏi của Tammy – cháu gái ông Tư: “What is quê hương? Your quê hương is totally strange to me” ở cuối trailer khuấy động lên một dấu hỏi về nguồn cội mà nếu không biết nó, “sẽ không lớn nổi thành người”. Phân đoạn này phần nào thể hiện rõ sự xung đột quan trọng về thế hệ trong phim của những người Việt nơi xứ người.
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ trên trang cá nhân của mình:
"Dạ Cổ Hoài Lang" xuất thân là kịch bản của sân khấu 5B Võ Văn Tần, được dựng cách đây hơn hai mươi năm, với nhiều lần thay đổi diễn viên chính. Sau được dựng lại ở sân khấu kịch Idecaf.
Nay, phiên bản điện ảnh với sự góp mặt của anh Hoài Linh và anh Chí Tài, đánh dấu sự quay lại của anh Nguyễn Quang Dũng. Dự án dời ngày phát hành vài lần do anh Dũng muốn đây là sản phẩm làm chỉnh chu và hoàn thiện nhất.
Cá nhân mình rất mong chờ vai diễn "không hài" này của anh Hoài Linh.
Sẽ đi coi khi ra rạp.”