Hiện nay khái niệm “ Bình đẳng giới” là một khái niệm có vẻ như rất phổ biến. Nó được phát lên đài, được chiếu trên truyền hình,được mọi người chia sẻ, tâm sự trên các diễn đàn và nhiều hơn cả là được phát ra từ miệng của rất nhiều người.
Nhưng tất thảy mọi thứ đều chỉ dừng lại ở nói mà chưa có hành động nào rõ ràng.Và trên thực tế thì đàn ông vẫn đang lãnh đạo thế giới này.
Trong số 195 quốc gia độc lập trên thế giới chỉ có 17 nước do phụ nữ lãnh đạo. Phụ nữ chỉ nắm giữ khoảng 20% số ghế trong quốc hội trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam có khoảng 24% số ghế trong quốc hội do phụ nữ nắm giữ . Và có khoảng 5.23% các công ty trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) và sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) do phụ nữ nắm quyền tổng giám đốc và đây là tỉ lệ cao nhất thế giới. Tỉ lệ người phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là 72% nhưng họ lại có thu nhập ít hơn 20%-30% so với nam giới…. Và câu hỏi đặt ra là tại sao không phải là 93/195 nước có phụ nữ lãnh đạo? Tại sao không phải là 50% số ghế trong quốc hội do phụ nữ nắm giữ? Tại sao cùng một trình độ, cùng làm một công việc mà lương của phụ nữ lại thấp hơn? Có thể thấy những khoảng cách là còn rất xa.
Nguyễn Văn A là một CEO thành công nhưng Lê Thị A là một NỮ CEO thành công. Thêm từ “nữ” vào là để chỉ rằng Lê Thị A là phụ nữ.Người có quyền sẽ chiếm lấy danh từ, còn người yếu thế hơn phải chịu làm tính từ.
Vào năm 27 tuổi là độ chín để đầu tư tối đa cho sự nghiệp thì cũng là độ tuổi mà đồng hồ sinh học nhắc nhở đã đến lúc lấy chồng và sinh con.Bạn lấy chồng muộn, sinh con trễ bạn có nguy cơ già hơn chồng, con sinh ra khả năng mắc các bệnh như down sẽ rất lớn...Năm nay tôi 27 tuổi, tôi sẽ phải lấy chồng ngay. Có thể 28 tuổi tôi sẽ sinh đứa thứ nhất,33 tuổi tôi sẽ sinh đứa thứ hai,tôi sẽ phải chăm lo cho chúng rất nhiều,tôi sẽ hi sinh cho chồng con, tôi sẽ đứng sau ủng hộ anh ấy... Họ luôn sống trong tình trạng 2 việc cùng 1 lúc, họ đắn đo,suy nghĩ lựa chọn và rồi họ đã định trước tương lai cho mình bằng những từ “sẽ” ấy và hầu hết họ chọn việc sinh con, chăm sóc gia đình mà hi sinh sự nghiệp.
Người làm việc lý tưởng được định nghĩa là lúc nào cũng hi sinh cho công việc và “người mẹ tốt” được định nghĩa lúc nào cũng cũng hi sinh cho con cái.Không tin bạn cứ nhào ra đường và túm lấy một người bất kì và hỏi thế nào là người mẹ tốt. Tôi cam đoan rằng 90% trong số đó sẽ gật gù và chắc chắn rằng đó là sự hi sinh cho con cái và sẽ hiếm người mà nghĩ rằng người mẹ tốt là người mẹ hi sinh cho công việc cả.
Một điều đặc biệt nữa là tại sao lại có danh hiệu “phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà” mà không phải thay cái chủ từ ấy bằng “ đàn ông”. Nè đàn ông, các anh chỉ có nhiệm vụ là đi làm và mang tiền về cho gia đình.Còn phụ nữ nếu các cô có khát khao theo đuổi sự nghiệp thì làm ơn cân bằng và hài hòa với việc chăm sóc con cái đi nhé vì đó là nhiệm vụ bất biến rồi. Có vẻ như thế giới tạo rất nhiều đặc quyền, đặc lợi cho đàn ông.Do cấu tạo sinh lí rằng từ nhỏ con cái phải bú sữa mẹ hay sao mà thế giới tự nhiên mặc nhận rằng chăm sóc con cái là chuyện của phụ nữ. Đàn ông kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp. Nếu có trường hợp nào đảo ngược lại thì đó ắt hẳn là dị nhân vì đi ngược lại xu hướng của thời đại.
Và đặc biệt ở Châu á thì còn lắm cái tình trạng ráng thêm một đứa con trai nữa như thể thêm được nó là thêm phần trăm sống sót và an nhàn lúc về già. Còn con gái thì không phải là con mình mà là con nhà người ta, xuất giá thì tòng phu và khó để mà nó nuôi dưỡng ba mẹ khi đã có gia đình riêng của mình.Tất thảy đều tố cáo rằng xã hội vẫn đang tồn tại bất bình đẳng giới.
Sẽ không cổ súy cho xu hướng đốt cháy áo ngực,cắt tóc nam nhi và nghênh ngang quyền lực. Phụ nữ không bắt chước như vậy để giành quyền.Họ chỉ cần vẫn là một phụ nữ quyến rũ nhưng bộ óc được khai sáng, không thiên vị cho gia đình mà bỏ bê sự nghiệp.Yêu cầu,khuyên bảo,tỉ tê, nhắn nhủ.. các ông chồng chung tay chăm sóc gia đình và tạo điều kiện cho vợ tham gia xây dựng sự nghiệp. Một gia đình sẽ không có tiếng nói nhưng nhiều gia đình góp lại ắt hẳn sẽ làm thay đổi tư tưởng của cả một hệ.
Hãy chung tay đẩy lùi bất bình đẳng giới.