Trong nghệ thuật vỉa hè là nơi lang thang của người nghệ sĩ nhưng trong đời thực vỉa hè lại là thứ xa xỉ của người đi bộ. Người ta khó lòng nào mơ mộng được lang thang vãn cảnh ngắm nhìn thành phố mà không vấp phải các sạp bán hàng, hàng dãy dài các xe máy, các bậc thang hay vô vàn biển hiệu….
Suốt một thời gian dài vỉa hè bị chính các nhà quy hoạch và quản lý xem nhẹ bởi vỉa hè xây dựng đến đâu thì bị chiếm dụng đến đó. Chiếm dụng vỉa hè chuyện mà nhiều người tặc lưỡi chấp nhận nó như một hậu quả của sự phát triển kinh tế và đô thị. Khi đất chật người đông thì hành vi chiếm dụng của công đang trở thành thứ dễ được thông cảm. Đây không chỉ là chuyện riêng ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới.Không gian đô thị luôn là một miếng bánh được xâu xé bởi rất nhiều nhóm lợi ích. Nhưng tại sao các nước lại có thể dung hòa tất cả các mâu thuẫn quyền lợi đó? Bởi vì họ có một hệ thống pháp luật được thượng tôn và tính minh bạch trong toàn hệ thống quản lý. Vậy còn Việt Nam thì sao?
Từ trước tới nay rất nhiều quận, huyện đều có kế hoạch lập lại trật tự đô thị, mang lại vỉa hè cho dân, vì một thành phố văn minh…. Nhưng tất cả đều nằm trên giấy. Cũng có nhiều cuộc dẹp, hốt, phạt… dành lại vỉa hè nhưng đều trên hình thức làm màu, làm cho có, cho qua, cho có lệ. Nhân dân hi vọng nhiều rồi lại thất vọng nhiều nên họ không còn tin nữa.
Nhưng trong những ngày qua nhiều người đang hướng về quận 1, TPHCM để dõi theo lãnh đạo quận này xuống đường đòi lại vỉa hè cho người đi bộ.Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 khẳng định rằng “ không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Là câu nói suông hay lời khẳng định nghiêm túc thực hiện? Là việc làm màu, dắt mũi truyền thông hay hành động chân thực suy nghĩ cho dân, cho nước? Đây vẫn đang còn là một ẩn số.Và điều quan trọng hơn hết nhân dân rất mong muốn ông Phó chủ tịch không phải “về vườn”.
Dạo quanh một vòng quận 1 có thể thấy ngay được sự thay đổi trên một số tuyến đường. Vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp,người dân hồ hởi, khách du lịch hài lòng. Nhưng cái viễn cảnh tươi đẹp này sẽ diễn ra trong vòng được bao lâu?Kì vọng của lãnh đạo xây dựng quận 1 như một Singapore thu nhỏ giữa lòng thành phố liệu có trở thành hiện thực? Chỉ có thời gian mới trả lời được cho câu hỏi này.
Tôi không dám gọi đây là một cuộc cách mạng, vì chữ ấy quá to tát và thiêng liêng. Tôi sợ rằng nhân dân lại phải thất vọng. Tôi chỉ dám gọi đây là một sự thay đổi, một động thái mạnh mẽ từ chính quyền. Tôi biết rằng ai cũng mong ngóng chuyện này làm sao cho được trọn vẹn, làm sao cho trở thành tiền lệ để các quận, huyện khác noi theo và hơn cả là trở thành phong trào cho các tỉnh, cho cả nước. Nhân dân mong muốn như thế có chăng là quá tham vọng?
Dành lại vỉa hè, hi vọng hay thất vọng?