Trong những năm gần đây, Coca Cola đã ra khỏi top 5 thương
hiệu giá trị nhất của năm. Trong khi đó, tại bảng xếp hạng hàng năm của
Interbrand, công ty này xếp vị trí thứ 3 sau Google và Apple.
Đây đã là quý thứ 6 liên tiếp doanh thu hãng đồ uống có gas lớn
nhất thế giới đi xuống. Số liệu này tại các thị trường Mỹ Latin, châu Âu, Trung
Đông và châu Phi đều giảm 4%. Trong khi đó, doanh thu tại Bắc Mỹ tăng 3% và
châu Á tăng 4%. Còn lợi nhuận giảm 28% xuống 1,05 tỷ USD trong quý.
Tuy nhiên, cả doanh thu và lợi nhuận của Coca Cola đều nhỉnh
hơn dự báo trước đó của giới phân tích, giúp cổ phiếu của họ tăng 1% tại New
York hôm qua. Cổ phiếu này đã gần như đi ngang suốt năm nay.
Các loại nước uống có gas như Sprite, Fanta và Coca-Cola
Zero với doanh thu khá lớn đã góp phần vào sức tăng 3% tại Bắc Mỹ. Trong khi
đó, Diet Coke lại giảm. Doanh thu nước uống không gas - như trà, nước quả và đồ
uống tăng lực, tăng 2% tại Bắc Mỹ.
Việc ra mắt Coca-Cola Zero Sugar tại Anh, để thay cho
Coca-Cola Zero, đã giúp mảng này tăng trưởng tốt. Chiến lược "Một thương
hiệu" của công ty - với Coca Cola, Coke Zero, Diet Coke, và Coca Cola Life
có chung một nhận diện hình ảnh - đã được áp dụng tại 12 thị trường hàng đầu của
hãng.
Trong một buổi họp báo tháng trước, James Quincey - Chủ tịch
kiêm COO của Coca Cola cho biết chiến dịch marketing toàn cầu mới, có tên Taste
the Feeling đang bắt đầu giúp họ tăng doanh thu. "Chúng tôi nhận thấy kết
quả rất khả quan. Việc marketing sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có hiệu quả.
Đây là ngành công nghiệp khổng lồ, và việc kinh doanh của Coca Cola không thể
thay đổi chỉ trong một đêm được", ông cho biết.
Theo thống kê cho thấy vào năm 1998, bình quân mỗi người Mỹ
trong năm uống một lượng Coca tương đương với 1,3 lần một thùng dầu (khoảng 158
lít). Doanh số nước giải khát có ga ổn định được vài năm và đến 2005 thì bắt đầu
tụt dốc không phanh.
Trong lúc đó, tỉ lệ béo phì, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe
khác liên quan tới cân nặng ở Mỹ tăng vọt. Năm 1999, theo Trung tâm Kiểm soát
và Phòng Bệnh, 25% người Mỹ trưởng thành bị béo phì, và con số ngày nay là 35%.
Cộng đồng khoa học đã nhanh chóng kết luận đồ ăn nhanh và nước
ngọt là hai nguyên nhân chính để đến năm 2009, có khoảng 30 bang bắt đầu áp thuế
lên nước giải khát. Năm 2012, New York còn phải giới hạn kích thước các chai,
lon nước giải khát được phép lưu hành trong thành phố dưới mức 473 ml.
Và vì vậy, mọi người đang uống ít nước ngọt có gas hơn để bảo
vệ cho sức khỏe bản thân. Chẳng cần phải đọc báo cáo, số liệu mà hãy cứ hỏi những
người bán hàng là biết rõ tình hình.