Sách Hoài Nam Tử nhận định: Tái ông thất mã - An tri họa phúc

Tái ông thất mã - An tri họa phúc

Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.





Ông lão rất bình tỉnh nói:  Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.

Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.

Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói:  Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.

Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, quen người nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.

Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.

Ông lão thản nhiên nói:  Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc.

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.

Phân tích nhận định của sách Hoài Nam Tử:

Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa-Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó.

Do đó, người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc. Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.

Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được Phúc thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái Họa sẽ đến; khi gặp điều Họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước Tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.

Câu chuyện tuy đã cũ nhưng giá trị của nó hầu như vĩnh viễn, đáng để ngày nay suy ngẫm.

Như trường hợp của một anh bạn trước đây không lâu:  công việc kinh doanh của anh đang đà tuột dốc, biết là vậy nhưng anh cứ loay hoay không biết phải làm sao. Thời cuộc thay đổi kéo theo nhu cầu thị trường cũng đổi thay. Tiếp tục làm thì thua lổ, chấm dứt để đổi sang cái mới thì lại tiếc công sức đã bỏ ra, lại cũng lo khi chuyển việc mới thì cần có vốn, phải xây dựng lại thị trường từ đầu liệu có hơn được không?

Giữa lúc phân vân như vậy thì biến cố ập đến, cơ sở của anh bị thưa kiện vì tiếng ồn, hạn phải đóng cửa hoặc di dời trong vòng 30 ngày.

Lúc đó quả thật thấy anh chỉ muốn điên, sau vài ngày đắn đo suy nghĩ anh đã đi đến quyết định đóng cửa ; Anh gọi cho các khách hàng, bạn bè trong giới tuyên bố thanh lý toàn bộ cơ sở, vừa bán vừa cho để giải quyết tất cả công nợ. Chỉ trong vòng 2 tuần anh đã trở về con số O.

Liên tiếp bao đêm sau đó anh không ngủ được, đầu óc suy nghĩ miên man chỉ một câu thôi: "Làm cái gì để sống?". Mọi người cũng sốt ruột thay cho anh, mỗi người đưa ra một lời khuyên, cuối cùng "cái khó ló cái khôn" anh đã quyết chọn một hướng đi mới và sau một thời gian nỗ lực thành công đã đến vượt quá cả mong ước.

Vậy cái biến cố lúc đó là phúc hay hoạ?  Nếu không có nó liệu anh ta có dứt khoát từ bỏ cái sự nghiệp đang lụi tàn để làm lại từ đầu hay không?

Phải mất một thời gian sau ta mới nhận ra là hoạ hay phúc.

Chắc chắn câu chuyện "thêm ngựa, mất ngựa" này còn diễn ra nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, thành công sẽ càng lớn khi bình tâm hơn, sáng suốt hơn để ứng phó.

Có thể bạn sẽ thích