Không chỉ được dùng khi thờ cúng trong các dịp lễ, Tết hay nhu cầu ăn trầu theo tập tục mà lá trầu không đã được thu mua để xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.
Nếu như trước đây lá trầu không của nông dân xã Nghi Ân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chỉ có thể đi ra chợ hoặc đổ mối cho các thương lái thì từ gần nửa năm nay, những chiếc lá có vị thơm, cay nồng này đã trở thành hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài. Theo như một người dân ở đó cho hay, lần đó, một nhóm người nước ngoài đã trực tiếp đến khảo sát tại vườn. Sau khi ăn lá trầu không, ai cũng tấm tắc khen ngon. Do vậy, họ quyết định đặt mua hàng dài hạn.
Những lá trầu được xuất khẩu sang Đài Loan qua lời kể của họ được dùng để ăn và làm thuốc. Với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đây, người dân ở đây tập trung trồng lá trầu để có thể có được ít tiền đón Tết.
Hiện nay, mỗi cân lá trầu không được bán với giá 70 nghìn đồng/kg. Nếu bán theo xấp thì dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/xấp/20 lá. Trung bình mỗi tháng thu hoạch 2 đợt cho thương lái, mỗi đợt 2 tạ, vị chi ít nhất cũng được 13-14 triệu đồng. Lá nào không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì bán trầu ăn cho thương lái trong nước.
Ngoài tiền lá, mỗi đợt thương lái thu mua, người dân còn được trả thêm 300 nghìn đồng/ngày công hái lá. Chỉ tính từ thời điểm trầu không xuất ngoại tới nay (tháng 8 âm lịch), mỗi tháng, mỗi gia đình cũng thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải dễ dàng để những chiếc lá được “xuất ngoại”, chúng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu khắt khe như lá phải to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tỳ vết, lá không non, cũng không quá già.
Ông Nguyễn Đình Trúc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết, hiện chưa có số liệu cụ thể về diện tích trồng trầu không trên địa bàn xã. “Có khoảng trên một trăm hộ dân trồng trầu không bán lá, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều cũng phải đến cả nghìn mét vuông. Loại cây trồng này cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối.
Có thời điểm khan hiếm, mỗi lá trầu không bán tại vườn có giá lên tới 1.000 đồng/lá, may mắn cây trầu không khá khó tính, tốn công làm đất, chăm sóc, hay bị sâu bệnh và khả năng chống chịu với thời tiết kém. Tuy nhiên từ giờ tới ra Tết, thời tiết lạnh, sương muối, sương giá nhiều, để đảm bảo được nguồn lá đẹp, to, bóng mượt thì cũng rất khó.
Giá trị kinh tế của cây trầu không trên địa bàn xã đã được khẳng định khi xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế bằng loại cây lấy lá này với mức thu nhập bình quân 200-400 triệu đồng/năm. Và với việc thu mua xuất khẩu số lượng lớn, mức giá cao như hiện nay thì các cán bộ khuyến nông ở đây chia sẻ rằng sẽ nghiên cứu và tham mưu cho chính quyền xã trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây cho thu nhập thấp sang mở rộng diện tích trồng trầu không.