Dường như mỗi năm gần đây vào dịp Tết đến sẽ có những câu hỏi
như “Có nên gộp Tết Tây và Tết Ta?”, “Bỏ Tết ta có nên hay không?”, “Ăn theo Tết
tây liệu có tốt?”,… khiến cho mọi người bàn luận xôn xao và có nhiều quan điểm
trái chiều nhau về vấn đề này.
Tết cổ truyền không
còn phù hợp?
Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay. Nhiều quan điểm cho rằng việc nghỉ Tết Ta quá nhiều sẽ làm giảm năng suất làm việc, lỡ thời cơ kinh doanh, giao thương với những nước không nghỉ Tết như ta.
Nhiều gia đình trẻ ngán Tết nhất, năm nào cũng như năm nào, tới hẹn lại lên. Có chồng nhà quê phải về thăm ông bà tổ tiên. Nhà quen hay không quen đều phải sang thăm hỏi, mua quà, mừng tuổi các cụ, lì xì cho các cháu dù chẳng nhớ tên. Đã thế những ngày này người đông nghẹt, phố xá bẩn, còn chơi xuân gì nữa. Một năm về quê thì vẫn ổn, nhưng năm này qua năm khác, cứ Tết là về quê, người trẻ thích thay đổi không chán mới lạ. Ngoài ra, những nhà làm ăn buôn bán, kinh doanh, công ty có lợi nhuận, có lương thưởng thì còn đỡ. Đối với những người lương ba cọc ba đồng thì lo lắng với túi tiền thủng do mọi chi tiêu nhờ vào đó, chục triệu tiết kiệm cả năm đi luôn trong mấy ngày.
Nhiều người còn đưa ra dẫn chứng việc nghỉ Tết gây ảnh hưởng vụ lúa đông - xuân của người nông dân, thiệt hại kinh tế. Nghỉ Tết gây gián đoạn tới việc học tập của học sinh - sinh viên. Ngoài ra, Tết cũng "tạo điều kiện" cho người dân ăn chơi, nhậu nhẹt, phát sinh nhiều điều phức tạp...
Tóm lại, hầu hết mọi người đều cho rằng nghỉ Tết ta có ý nghĩa tinh thần nhưng quá tốn kém về thời gian và tiền bạc, lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu đúng như vậy, chúng ta cũng nên xem xét gộp hai cái Tết làm một.
Bỏ Tết cổ truyền là bỏ
đi cái hồn cốt dân tộc?
Một số bạn vẫn tin rằng Tết cổ truyền mang lại ý nghĩa rất lớn cho bản thân và cả đất nước, có bạn chia sẻ: "Nói gì thì nói, mình không muốn bỏ Tết âm mà gộp vào Tết dương, vì suy cho cùng, Tết âm vẫn là cái hồn cốt dân tộc. Nếu nói không ăn Tết âm để xóa bỏ triệt để nền văn hóa Trung Quốc thì mình xin nói luôn, lịch Dương, Tết dương cũng đâu phải của nước mình.”
Vẫn rất nhiều người tha thiết Tết cổ truyền, cho dù họ có lớn thế nào thì vẫn muốn được bố mẹ mừng tuổi. Không chỉ vậy, Tết không chỉ là dịp để gia đình sum vầy đầm ấm bên nhau mà còn đem lại cho người ta cảm giác ấm áp, bởi đó không chỉ là ngày lễ mà còn là ý niệm, cảm xúc trong tim của mỗi chúng ta.
Một số quan điểm trung lập cho rằng nhà nước có thể có biện pháp giảm tải ngày Tết Ta nhưng vẫn không xóa bỏ, vì đây là Tết cổ truyền của dân tộc: “Chính quyền phải tính đến số ngày lễ sao cho khoa học và tối ưu. Trong bối cảnh hội nhập lại càng phải xiết số ngày nghỉ lễ. Nghỉ Tết quá dài sẽ làm cho đối tác ngán, dễ mất hợp đồng.”
Dù Tết Ta và Tết Tây có gộp lại với nhau hay không thì hãy tin rằng những quan điểm trái chiều trên đều xuất phát từ những ý nghĩ mong muốn xã hội, đất nước ta ngày càng phát triển và tốt đẹp lên.