Chất thơ phảng phất trong lời nhạc, chỉ có thể là nhạc vàng bất tử

Nhiều người cứ nghe từ nhạc vàng là nghĩ ngay là nhạc sến, thường sến lại gắn với nghĩa cải lương, không sang. Những người đó quá kém nên đã không nhận ra chất thơ phảng phất trong lời nhạc mộc mạc, bình dân.

Vàng là vàng, sến là sến vì ai cũng biết nhạc vàng là dòng nhạc dành cho giới bình dân do ca từ rất mộc mạc, đơn giản và dễ hiểu được chuyển tải trong những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng như boléro. Vậy nhạc vàng có phải là nhạc sến? Đọc rất nhiều bài phân tích của nhiều diễn giả, nhiều nhà phê bình âm nhạc, nhiều nhà báo tên tuổi đã dày công tìm hiểu và cố gắng so sánh phân chia rạch ròi khái niệm nhạc vàng và nhạc sến, chúng ta vẫn cảm nhận cách nói của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: “Nhạc vàng hay nhạc sến đều dành cho giới bình dân, người hiểu biết chút ít nghe thì nói nghe nhạc vàng, người ít hiểu biết hơn thì nói nghe nhạc sến nhưng chung quy đều là nghe nhạc trữ tình, nghe những ca khúc có giai điệu boléro” là định nghĩa đơn giản và dễ hiểu nhất.

Chất thơ phảng phất trong lời nhạc mộc mạc, bình dân

Đừng vội nghĩ bình dân thì thô mộc sù sì, trái lại ca từ của nhạc vàng vẫn phảng phất chất thơ và càng nghe càng thấm. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao dù có lúc bị phê phán vì cho rằng ca từ “ru ngủ” nhưng nhạc vàng vẫn giữ nguyên giá trị, sắc thái riêng và càng về sau – khi dòng âm nhạc thị trường với nhiều sáng tác có giai điệu vô cảm, ca từ sáo rỗng bùng lên dữ dội – thì dòng nhạc vàng vẫn và càng được cả giới trí thức lẫn giới lao động bình dân yêu thích.



Tại sao nói ca từ của nhạc vàng lại phảng phất chất thơ và nếu thơ thì liệu giới bình dân có hiểu? Lắng nghe và cảm nhận, sẽ biết ca từ của nhạc vàng cũng thơ và thơ ngay từ cái tên nhạc sĩ đặt cho bài hát. Có thể kể: Lâu đài tình ái, Chân trời tím, Bảy ngày đợi mong… (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), Chiều thu ấy, Từ ngày có em về, Tình đẹp như mơ, Xin thời gian qua mau… (Lam Phương), Hỡi người còn nhớ đến ta (Hoàng Thi Thơ), Mưa nửa đêm (Trúc Phương)… – dù không thể so sánh với ngôn ngữ thơ mê ảo từng lời từng chữ quyện vào giai điệu, đậm tính triết lý sâu sắc như lời trong những ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn – nhưng ca từ trong những ca khúc nhạc vàng vẫn rất thơ. Cái chất thơ bàng bạc, không phải suy nghĩ quá nhiều để có thể nắm bắt và hiểu ý tứ, gọn gàng mà vẫn ướt át, nó thể hiện rất ăn ý với giai điệu dung dị như kể chuyện của boléro – giai điệu mà người miền Nam (nói chung) và người Sài Gòn (nói riêng) lúc nào và ở đâu cũng ráp vô là hát được. Cái hay của chất thơ trong nhạc vàng là ai nghe cũng hiểu, cũng cảm nhận nó gần gũi, bay bổng vừa phải, đủ để khi giai điệu cất lên thì lời cũng làm người nghe nhanh thuộc. Nếu không như thế, tại sao từ phố thị đến từng ngõ ngách đường quê heo hút, không phân biệt anh là ai, đang làm gì đều có thể nghêu ngao hát hoặc đệm theo giọng ca sĩ Chế Linh với Thành phố buồn của Lam Phương “và con đường ngày xưa lá đổ, giờ không em sỏi đá u buồn, giờ không em hoang vắng phố phường…”, hoặc mê mẩn với giọng của Tuấn Vũ trong Tình bơ vơ “mây tím đang dâng cao vời, mà tình yêu chưa lên ngôi”. Không thể nói lòng người nghe không dạt dào cảm xúc khi tai văng vẳng “Trời lập đông chưa em cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi, để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới”, hay “Chiều nay có ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân em…”. Những ca từ êm ái như thế, sao có thể gọi là sến, là không thơ? Là sẽ không làm lòng người lay động say đắm?

Nỗi buồn nhân văn trong các ca khúc nhạc vàng

Nhạc vàng được mặc định với nghĩa nhạc buồn, ảo não và ru ngủ. Chính vì “ôm” trong mình cái nghĩa quá tiêu cực như vậy nên có giai đoạn nhiều ca khúc nhạc vàng bị cấm lưu hành. Giả sử nếu ai đang có tâm trạng sầu bi đau khổ vì thất tình, vì chia ly, tan vỡ… lại nghe nhạc vàng với những lời lẽ trong bài hát sẽ thấy quá giống tâm trạng của mình, dễ tuyệt vọng đau khổ thêm. Nhưng chính như thế, nó mới thật và gần gũi, sâu sát với tâm trạng của giới bình dân. Nỗi buồn trong ca khúc là nỗi buồn của tha nhân, đã trót sinh kiếp làm người thì ai cũng phải trải qua những đắng cay buồn vui như thế. Làm sao có thể thản nhiên khi nghe tiếng ca sĩ cất tiếng thay nỗi lòng của chính mình “Nếu tình đôi ta dở dang, em hãy xem như là, một giấc ngủ chiêm bao, mai sau cũng quên hết, đôi bóng cuộc đời, có lẽ không gặp nhau, em về kẻo trời mưa mau” (Em về kẻo trời mưa – Anh Bằng). Nhưng nếu nói nhạc vàng làm trì níu tâm hồn con người khiến tâm hồn họ trở nên tiêu cực, e rằng nhận định đó không được công bằng. Dù giai điệu buồn, lời nhạc trong câu chữ không sáng bóng óng ánh sắc màu tích cực, nhưng rõ ràng nỗi buồn vẫn rất nhân văn sâu sắc chứ không thô tục hay phản cảm. Đó là chưa nói có nhiều nhạc sĩ còn thổi chút màu tươi sáng và vui vẻ vào ca từ, giai điệu trong sáng tác của mình sau này – dù vẫn là nhạc vàng – và vì thế các ca khúc đã ít nhiều bớt sắc màu ảm đạm. Có thể kể đến nhạc phẩm Bài tango cho em của Lam Phương với ca từ rộn rã “Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề…”. Hay Trần Thiện Thanh trong Lâu đài tình ái với tình yêu nồng nàn rất đỗi ngọt ngào “Anh sẽ vì em làm thơ tình ái, anh sẽ gom mây kết hình lâu đài…”. Lời thơ như thế, tình yêu dịu dàng như thế, sắc màu đầy hạnh phúc như thế đâu thể nói toàn ảo não hay tiêu cực mà thấm đẫm tính nhân văn đấy chứ!

Giá trị không hề xưa cũ

Đây là một nhận định không hề sáo rỗng mà được minh chứng rất sinh động, rõ ràng và cụ thể. Thông qua sự kéo dài và tồn tại của những ca khúc nhạc vàng từ lúc nó bắt đầu xuất hiện và được nồng nhiệt đón nhận và cho đến tận hôm nay vẫn được yêu thích – không chỉ giới bình dân – mà đã dần thuyết phục được giới trí thức, không những họ chấp nhận như một dòng nhạc thường nghe, mà đã có thể còn được yêu thích. Đó có thể được gọi là giá trị tinh thần mà dòng nhạc vàng sau bao nhiêu năm “bôn ba” đã đạt được. Nhưng điều làm chúng ta cảm thấy vui là, ngày càng có nhiều những ca khúc, sau thời gian bị cấm trên các phương tiện truyền thông, thì nay đã được phổ biến rộng rãi đến công chúng yêu thích dòng nhạc này. Đây mới chính là giá trị xã hội tích cực mà chúng ta không thể không thừa nhận. Đơn cử trong hai album mới nhất của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là Chờ đông và Xóa tên người tình thì đã có bảy ca khúc như: Hồi tưởng, Hỡi người còn nhớ đến ta, Sương lạnh chiều đông, Chờ đông, Nếu đời không có anh, Đoạn cuối tình yêu, Bài tango tím của các nhạc sĩ: Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Văn Phụng… đã được Cục biểu diễn nghệ thuật cấp phép phát hành. Ấy là chưa nói đến hiện tượng nhiều ca sĩ của dòng nhạc trẻ, nhạc nhẹ đã chọn cách thể hiện những ca khúc của dòng nhạc vàng như một hướng đi mới cho sự nghiệp ca hát của mình như ca sĩ Lệ Quyên (Khúc tình xưa 1, 2) Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc (Vết thương cuối cùng) v.v …

Quyết định của các ca sĩ trẻ này được xem là khá sáng suốt và nhạy bén vì đã được sự đón nhận khá nồng nhiệt của mọi giới, không còn đóng khung dành riêng cho giới bình dân hay trí thức mà lan rộng đến các bạn sinh viên và thanh niên như một món ăn tinh thần với những giá trị cũ được làm mới bằng những giọng ca mới, vài biến tấu mới lạ nhưng chưa bao giờ là xưa cũ, mà vẫn sống mãi với thời gian.

Có thể bạn sẽ thích