Sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống
của bà con nhân dân vùng biển. Hơn 6 tháng trời các gia đình không có nguồn thu
nhập từ biển nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy ngoài sự hỗ trợ
của tỉnh, các nhà hảo tâm thì bà con rất mong mỏi vào chính sách đền bù, hỗ trợ
thiệt hại.
Sau khi nhận được tin tức Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại
các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố
môi trường biển, tất cả người dân ở 4 tỉnh miền Trung đều hết sức tin tưởng và vô
cùng phấn khởi.
Tại Hà Tĩnh, ông Phan Dũy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ
Anh chia sẻ thông tin về việc thống kê đền bù thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng
của sự cố môi trường do Formosa gây ra đã cơ bản hoàn thành. Hiện thị xã đang tổ
chức tuyên truyền, vận động bà con tổ chức kê khai thiệt hại để có thể hỗ trợ,
đền bù kịp thời và chỉ còn một số ít thôn có người dân chưa hợp tác mà thôi.
Theo kê khai, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 4.636 tàu cá; 827 ha ao, hồ nuôi, gần 25.000
m3 nuôi lồng bè; 49,7 ha làm muối; 33.149 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường
do Formosa gây ra.
Sau khi Chính phủ công bố mức áp giá đền bù thiệt hại cho
người dân sau sự cố môi trường biển, Tại cảng cá Thạch Kim, các ngư dân và chủ
tàu thuyền đều rất phấn khởi. Sau nhiều tháng đối mặt với khó khăn thách thức,
nay họ đã yên tâm vươn khơi. Mức đền bù thiệt hại giúp họ sửa chữa lại tàu thuyền,
mua sắm thêm ngư lưới cụ và giúp gia đình có thêm một khoản dự phòng cho đời sống,
sinh hoạt. Niềm vui không chỉ đối với các ngư dân đánh bắt và người nuôi trồng,
chế biến thủy hải sản, mà bà con diêm dân cũng hết sức phấn khởi.
Sau khi tiếp nhận thông tin, hầu hết ngư dân khi được hỏi đều
đồng tình với định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển vừa được
Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, người dân cũng mong chính quyền triển
khai việc rà soát, thẩm định thiệt hại và chi trả một cách thật công bằng, minh
bạch, đúng người, đúng mức độ thiệt hại... bởi vì theo mức áp giá đền bù thiệt
hại vừa được Chính phủ công bố, số tiền mỗi đối tượng được hưởng là không nhỏ.
Ngư dân Lê Văn Phú (Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) – chủ tàu công suất
140 CV chia sẻ: “Theo thông tin mà tôi nhận được thì tàu của tôi được hỗ trợ từ
10 – 15 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố môi trường diễn ra đến nay đã 6 tháng,
nhân lên thì mức hỗ trợ thiệt hại được hưởng từ 60 – 90 triệu đồng. Mức hỗ trợ
trên là hợp lý và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ 5 lao động đi trên tàu
có được hỗ trợ riêng hay không”.
Mặc dù tiền chưa đến tay người dân nhưng việc công bố mức áp
giá đền bù của Chính phủ đã khiến họ hết sức yên tâm. Dù phấn khởi khi tỉnh
công bố chi tiết mức giá đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển nhưng tâm
nguyện của ngư dân vẫn mong biển sạch trở lại và tìm sinh kế lâu dài để ổn định
cuộc sống.