Vào những dịp cận lễ, Tết như
hiện nay thì việc tắc nghẽn giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại
các sân bay. Theo như tình hình mới nhất, sân bay Tân Sơn Nhất đang chịu cảnh
quá tải, xe cộ tấp nập, kẹt cứng,… Và để phần nào hạn chế tình trạng tắc nghẽn
trên, Bộ quốc phòng đã nhanh tay vào cuộc, hãng Vietnam Airlines đã phối hợp với
Bộ bàn giao tạm thời 21ha đất bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất để làm chỗ dừng đỗ
máy bay.
Tại hội nghị triển khai kế
hoạch 2017 của Bộ GTVT, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Chí Thành chia sẻ
rằng, về lâu dài, hãng mong muốn được đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất để nâng cao
năng lực bay, đảm bảo an ninh, an toàn.
Theo Cục trưởng Cục Hàng
không Lại Xuân Thanh, Cục đã yêu cầu các hãng kiểm soát chặt chẽ slot (số lượng
chuyến bay cất hạ cánh) và đưa các chuyến bay vào giờ thấp điểm, không tạo thêm
các khung giờ bay cao điểm tại Tân Sơn Nhất.
Hiện nay, giờ cao điểm tại
Tân Sơn Nhất đã ở mức 42 chuyến bay/giờ. Cục kiên quyết không tăng thêm chuyến
giờ cao điểm. Giới hạn các giờ còn lại chỉ dừng ở mức 38 chuyến/giờ để giảm áp
lực cho cả trong và ngoài sân bay. Ông Thanh cũng thừa nhận áp lực ùn tắc bên
ngoài sân bay Tân Sơn Nhất đang là thách thức không nhỏ, nhất là cao điểm Tết.
Ngoài ra, TP.HCM trước mắt bố
trí thêm lực lượng CSGT phân làn trên đường Trường Sơn để đảm bảo giao thông
thuận tiện. Về lâu dài, TP có kế hoạch xây dựng các dự án lớn để giảm ùn tắc tại
khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất
đón 33 triệu hành khách, vượt 28% so với quy hoạch đến 2020 cộng với việc quy
hoạch cảng hàng không so với kinh tế còn lạc hậụ. Dự báo không chính xác tăng
trưởng nên dẫn đến quá tải. Mỗi ngày khoảng
40.000 ô tô ra vào khu vực này. Vì vậy Tân Sơn Nhất ùn tắc nghiêm trọng từ trên
không xuống dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài. Tình trạng này đang đe dọa
đến an toàn, an ninh hàng không và làm giảm chất lượng cuộc sống, dịch vụ của
người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu đến
ngày 15.1, Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ quy hoạch nâng cấp, mở rộng Cảng hàng
không Tân Sơn Nhất. Trong đó sẽ làm thêm một đường lăn, hai nhà ga hàng không
và sắp xếp lại các nhà ga; tăng cường thêm bến đỗ, đầu tư thêm hệ thống giao
thông kết nối bên ngoài. Nguồn vốn đầu tư huy động xã hội hóa và vốn nhà nước.
Bộ GTVT cần sớm hoàn thành
quy hoạch để đến quý 3/2017, một số hạng mục được triển khai đầu tư. Năm 2018 sẽ
đưa vào khai thác đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao thêm năng lực vận chuyển từ
10 -20 triệu hành khách/năm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình
Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch đầu tư sân bay Long
Thành. “Trong nhiệm kỳ này phải xong báo cáo đầu tư để trình Quốc hội, chuẩn bị
vốn để đến năm 2025 có thể đưa vào sử dụng sân bay Long Thành”.
Đầu tư đường sắt tốc độ cao
cần vốn lớn, kêu gọi xã hội hóa rất khó nên chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn nhà
nước, vốn vay. Ngành đường sắt cũng cần xem xét kỹ dự án nâng cấp hệ thống đường
sắt hiện có, muốn nâng cấp đạt tốc độ 80-90 km/giờ cần đầu tư 1,7 tỉ USD. Phó
thủ tướng cũng chỉ đạo, để phát triển hạ tầng giao thông, cần xây dựng cơ chế đặc
thù để thực hiện dự án cấp bách trọng điểm.